SaaS là gì?

SaaS là viết tắt của Software as a Service - Phần mềm dạng một Dịch vụ. SaaS là một mô hình phân phối dành cho phần mềm, theo đó thay vì tải xuống phần mềm để chạy cục bộ trên PC của bạn, chương trình được lưu trữ bởi nhà cung cấp bên thứ ba và sau đó được truy cập bởi người dùng qua internet, chương trình thường được thông qua một giao diện trình duyệt web.

SaaS là một trong số các mô hình điện toán đám mây, các mô hình điện toán đám mây khác bao gồm Cơ sở hạ tầng như một Dịch vụ (IaaS) và Nền tảng dưới dạng Dịch vụ (PaaS). SaaS vẫn được sử dụng cho các công việc thường ngày, kể cả khi nhiều người không hề quen thuộc với thuật ngữ này. SaaS thường được bán thông qua một mô hình License/Subscription.

Một số nền tảng trên mây tại Việt nam: phần mềm quản lý nha khoa trên mây, quản lý công việc trên mây, quản lý nhân sự trên mây, phần mềm quản lý phòng khám trên mây ... 

Ưu điểm của SaaS

SaaS đã trở thành nền tảng rất được ưa chuộng vì nó có nhiều lợi thế sẵn có bao gồm:

- Khả năng Update: Với việc phần mềm lưu trữ trên máy chủ, nâng cấp được diễn ra một cách tập trung, trái với mô hình truyền thống, khi đó phần mềm sẽ cần phải được nâng cấp trên mỗi máy riêng lẻ. Nói cách khác, SaaS có thể dễ dàng được bảo trì với phiên bản phần mềm mới nhất bất cứ khi nào.

- Phần cứng: Với phần mềm chạy trên máy chủ, các máy tính cá nhân không cần phải thực hiện nâng cấp phần cứng và việc không đáp ứng các thông số kỹ thuật tối thiểu cũng không gây bất kỳ trở ngại nào.

- Chi phí: Với mô hình đăng ký, chi phí mua lại (trả trước) của doanh nghiệp thường được hạ xuống. Ngoài ra, có thể thực hiện thêm người dùng khi cần thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng theo yêu cầu.

- Triển khai nhanh: Vì phần mềm không cần phải được cài đặt và cấu hình trên các máy riêng lẻ, việc triển khai với SaaS trở nên nhanh hơn nhiều.  

- Khả năng truy cập: Nhận quyền truy cập vào các ứng dụng SaaS chỉ cần có trình duyệt và kết nối internet, cho phép người dùng có thể đăng nhập từ bất kỳ đâu. Ngoài ra, dữ liệu của người dùng được lưu trữ trên đám mây chứ không nằm trên PC của người dùng cá nhân do đó hỗ trợ khả năng cộng tác, chia sẻ công việc với những người dùng khác.

Hạn chế của SaaS

Mặc dù SaaS sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, mô hình cũng có những nhược điểm cần lưu ý.

- Bảo mật dữ liệu: Đối với các dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc pháp lý, thông tin nhạy cảm thường nằm ngoài máy chủ của công ty, do đó gia tăng các vấn đề về quản lý quyền truy cập, quyền riêng tư và bảo mật.

- Các vấn đề về phiên bản: Một điểm cộng của SaaS là nó hỗ trợ tất cả người dùng đều có thể sở hữu phiên bản phần mềm mới nhất, tuy nhiên, với một số lý do khác nhau như: giáo dục người dùng, tích hợp với phần cứng hoặc nhu cầu về một số tính năng quan trọng chỉ có trên một phiên bản cụ thể, mà công ty có thể muốn giữ lại phiên bản phần mềm cũ. Nhưng SaaS lại không hỗ trợ điều này bởi chế độ tự động cập nhật phiên bản mới nhất. 

- Nhu cầu sử dụng internet: Để sử dụng các ứng dụng SaaS, người dùng bắt buộc phải kết nối internet. Tuy nhiên, đối với những thời điểm người dùng bị ngắt kết nối, chẳng hạn như khi di chuyển trên máy bay (mặc dù hiện đã có nhiều dịch vụ Wifi trong chuyến bay hơn) hoặc internet ngừng hoạt động tại cơ sở kinh doanh, SaaS cũng sẽ không khả dụng.

- Nguy cơ chạy chậm: Tùy thuộc vào tốc độ kết nối internet và các tài nguyên được yêu cầu, một SaaS có thể hoạt động ở tốc độ chậm hơn phần mềm chạy cục bộ.

- Thiếu các tính năng tích hợp: Với một SaaS, khả năng tích hợp phần mềm với các chương trình khác so với phần mềm truyền thống là ít hơn.

Cân bằng các ưu và nhược điểm SaaS

Trong nhiều môi trường công ty, SaaS có nhiều ưu điểm hơn hạn chế và hiện nay việc chạy các phần mềm trên nền tảng SaaS trong mô hình điện toán đám mây thay vì trên hệ thống tại chỗ đang dần trở thành một xu hướng nổi bật.

Theo ghi nhận, thị trường SaaS vẫn đang tiếp tục mở rộng, với mức tăng trưởng dự kiến có thể vượt qua 112,8 tỷ đô la vào năm 2019. SaaS trên thực tế không phải là một mô hình quá mới mẻ, mà đã trải qua một quá trình phát triển từ những năm 1960. Khi đó, các tập đoàn đã sử dụng các gói phần mềm để kết nối người dùng với hệ thống máy tính lớn phục vụ mục đích cung cấp các tiện ích tính toán.

Đến những năm 1990, với sự bùng nổ Internet, SaaS đã được triển khai trong doanh nghiệp để nhân viên có thể truy cập tài nguyên của công ty, bao gồm cả các phần mềm nằm trên máy chủ trung tâm. Trong môi trường sử dụng, SaaS cũng được triển khai với các phần mềm phổ thông bao gồm webmail và các dịch vụ chia sẻ ảnh.

Ngày nay, doanh nghiệp đang dần rời bỏ các mô hình cố định truyền thống, các nhu cầu kinh doanh cơ bản thậm chí đều có thể được giải quyết bằng SaaS. Từ các dịch vụ miễn phí phổ thông như Microsoft, Google cho đến các giải pháp chuyên biệt theo nhu cầu, SaaS đã và đang dần chiếm lĩnh thị trường để trở thành một nền tảng chuẩn mực trong thế kỷ 21.

Nguồn Internet

Các tin liên quan: