Quy mô thị trường y tế Việt Nam là đầy tiềm năng cho một nền y tế chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng số, nhưng y tế số hóa lại chịu thách thức lớn về sự kết nối, cần sự chuyển dịch của các mô hình truyền thống, từ cải tiến quản lý đến đột phá về cách thức tiếp cận dịch vụ theo xu thế lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Tiềm năng y tế Việt Nam nói chung và y tế kết nối số (digital healthcare) có thể thấy qua giá trị tăng trưởng của ngành này với tổng chi tiêu y tế hơn 16 tỉ USD năm 2017 (ước tính từ nguồn BMI, IMF, ADB), tương đương 7,2% GDP. Mức tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2017- 2021 khoảng 12,5%, theo đó ước tính giá trị chi tiêu cho y tế vào năm 2020 đạt 21 tỉ USD.

nguyenthanhdanh.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thành Danh

Đi cùng với tăng trưởng giá trị thị trường là xu hướng xã hội hóa y tế và sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân. Điển hình nhất gần đây là việc bốn bệnh viện “siêu hạng” gồm Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K và Chợ Rẫy được thí điểm tự chủ toàn diện. Rất nhiều bệnh viện tại TP.HCM cũng đang tiến đến tự chủ hoàn toàn, nhiều nơi tại các tỉnh thành cũng đang phát triển cơ chế bệnh viện tự chủ.

Các bệnh viện tư nhân ở các thành phố lớn không ngừng tăng về số cơ sở mới lẫn chất lượng điều trị, đã và đang cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện công – là những cơ sở y tế vốn có thương hiệu, nguồn lực hạ tầng và đội ngũ nhân viên y tế giỏi. Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác công tư (PPP) y tế ngày càng đa dạng; mô hình nhượng quyền cũng ngày càng phổ biến cùng với hàng loạt chuỗi bệnh viện tư đang mở rộng độ phủ: nổi bật như Hoàn Mỹ, Tâm Trí, Phương Châu, Xuyên Á, Mỹ Đức…

Tất cả việc gia tăng đầu tư y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ theo yêu cầu đổi mới của Bộ Y tế, cùng với cơ chế giá phí mới đã áp dụng càng làm cho sự cạnh tranh của ngành y tế nóng lên vài năm gần đây.

"Chính sách quốc gia về e-health là hướng đến một hệ thống y tế vận hành và tích hợp trên nền tảng số hóa, tạo ra được trải nghiệm chăm sóc sức khỏe dựa vào bệnh nhân và kết quả điều trị có chất lượng tốt"

Sự cạnh tranh tất yếu dẫn đến xu thế chăm sóc y tế dựa vào giá trị (value based care), theo đó khái niệm bệnh viện - phòng khám nên được xem là “tổ chức cung ứng dịch vụ y tế” theo nghĩa rộng, lấy bệnh nhân làm trung tâm là yêu cầu thay đổi sống còn của các cơ sở y tế.

Như vậy kết nối là sự cần thiết: Kết nối nguồn nhân lực y tế - đang có khuynh hướng dịch chuyển công - tư; kết nối mô hình vận hành “kinh doanh”, chia sẻ nguồn bệnh theo chuyên khoa, theo dõi - chuyển bệnh nhân qua lại; kết nối thanh toán… Tất cả sẽ khó thông suốt nếu không thể chia sẻ dữ liệu người bệnh và các nguồn dữ liệu khác.

Dữ liệu lớn (big data) trong y tế và ưu tiên chính sách e-health. Ngành y tế rất giàu về số liệu, giàu hơn nhiều ngành khác do đặc thù ghi nhận toàn bộ dữ liệu cá nhân, thông số bệnh tật và cần lưu trữ kỹ lưỡng để theo dõi, chia sẻ… Vậy làm gì để dữ liệu trở nên hữu dụng cho quá trình điều trị bệnh nhân đồng thời thúc đẩy phát triển ngành?

Dữ liệu lớn trong y tế chia làm nhiều nguồn, từ dữ liệu có cấu trúc số hóa qua bệnh án điện tử (structured EHR), các ghi chú lâm sàng chi tiết khó hệ thống (unstructured clinical notes), các hình ảnh chẩn đoán/điều trị (medical imaging) cho đến dữ liệu gene (genomic ) và các dữ liệu khác như dịch tễ học, hành vi bệnh nhân…

Tại Việt Nam, các thảo luận gần đây đều dẫn đến một nhu cầu cần có sự thống nhất và chuẩn hóa dữ liệu, được kê khai - ghi nhận và sử dụng được cho việc cải tiến chất lượng điều trị y tế và kết nối số về dữ liệu chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam với sự đa dạng nguồn bệnh, các can thiệp y khoa, nhưng dữ liệu thông tin bệnh viện (HIS) lại rất sơ khai. Đó thật sự là một “mỏ dầu” chưa được khai thác hiệu quả. Chúng ta sẽ làm gì, chuẩn bị thế nào trong xu hướng dữ liệu lớn này hay chờ đợi các đại gia toàn cầu tham gia khai thác và chia sẻ?

applewatch.jpg

Các thách thức của y tế kết nối số đang ổn dần nhờ vào thời đại số hóa với các ứng dụng kết nối trên di động đang phát triển. Ảnh: Forbes

Thách thức lớn và đầu tiên nằm ngay ở cách nhìn nhận việc xây dựng dữ liệu bệnh viện tại Việt Nam, mỗi nơi một hệ thống HIS, thiếu chuẩn đồng bộ, thiếu hệ thống lưu trữ ghi nhận. Bên cạnh đó, ngay cả tại các quốc gia có chính sách e-health và số hóa y tế sớm đồng bộ, thách thức của “big data” trong ngành y tế vẫn hiện diện: các yếu tố như định dạng dữ liệu (data format); nguồn dữ liệu khác biệt, biến động liên tục và tương quan theo thời gian trong quá trình điều trị.

Thách thức còn ở việc chuyển đổi các ghi chú lâm sàng khó dữ liệu hóa; hoặc trong xử lý các hình ảnh y khoa - thông tin - chỉ dấu sinh học - phân tích tương tác di truyền genomic, chuẩn hóa dữ liệu lâm sàng...

Tuy nhiên các thách thức trên dường như đang ổn dần nhờ vào kỹ thuật thời số hóa, với trí tuệ nhân tạo (AI) hay máy học (machine learning) phân tích các hình ảnh y khoa, công nghệ blockchain, các dụng cụ đeo y tế cảm ứng và các ứng dụng kết nối trên di động…

Như vậy nhu cầu của y tế “kết nối số hóa” sẽ là bước ngoặc lớn với ngành y và cả xã hội: bức tranh kết nối số hóa của ngành y tế Việt Nam đang tiến triển thế nào trong thời số hóa (digitalized) hiện nay? Thiết nghĩ, các nguyên tắc ưu tiên của nhà nước nên làm cho một chính sách y tế kết nối “e-health”, đó là:

"Ngành y tế rất giàu về số liệu do đặc thù ghi nhận toàn bộ dữ liệu cá nhân, thông số bệnh tật và lưu trữ kỹ lưỡng, vậy làm gì để khai thác "mỏ dầu" này trở nên hữu dụng để thúc đẩy phát triển ngành?"

Chính sách quốc gia e-health là một hệ thống y tế vận hành và tích hợp trên nền tảng số hóa, tạo ra được trải nghiệm chăm sóc sức khỏe dựa vào bệnh nhân và kết quả điều trị có chất lượng tốt.

E-health đưa ra ba mục tiêu chính: Bệnh nhân nên được hỗ trợ, thông tin rõ ràng và tương tác chủ động với bệnh của họ; nhân viên y tế có các công cụ đưa ra được quyết định hiệu quả nhất với các phương tiện trị liệu mà họ được đào tạo bài bản; và tổ chức chăm sóc y tế có năng lực chuyên môn cho việc quản lý hiệu quả và minh bạch, có kế hoạch cho cả dịch vụ chăm sóc y tế và kinh doanh.

8 nguyên tắc chi tiết cho các mục tiêu trên, nên là:
1. Lấy bệnh nhân làm trung tâm: là các cam kết trị liệu có hiệu quả cao, sử dụng hệ thống công nghệ cho phép nhân viên y tế chủ động hơn trong vận hành và tạo ra kết quả lâm sàng tốt nhất.
2. Quản lý đầu tư hiệu quả trên nguyên tắc tách bạch nhưng có cơ chế phối hợp qua các đánh giá, kiểm toán về chuyên môn, nhà quản lý kinh doanh và nhà đầu tư. Muốn vậy cần cơ chế quản lý hiệu quả về tài chính, chi phí, nhà cung ứng và quy trình mua hàng – nhà thầu cho cơ sở y tế.
3. Tìm đối tác theo ưu tiên chiến lược, nguồn lực, chi phí, giá trị đầu tư, dịch vụ và kỹ thuật… để có thể ứng dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến và hiệu quả nhất.
4. Đánh giá, đo lường an toàn - chất lượng điều trị qua thiết kế cấu trúc và quản lý của hệ thống công nghệ thông tin.
5. Đáp ứng chuẩn hóa thông tin, thúc đẩy cho việc tinh giản bộ máy và tăng khả năng tương tác vận hành, giảm chi phí và nâng cao chất lượng.
6. Bảo mật thông tin của bệnh nhân và nhân viên y tế, điện tử hóa thông tin thay cho việc lưu trữ truyền thống hiện nay.
7. Cấu trúc số cần đảm bảo việc chuyển tiếp các chương trình e-health cách nhanh gọn, ổn định để công việc kinh doanh của bệnh viện diễn ra bình thường trong bất kỳ điều kiện nào.
8. Linh động và gợi mở cho sự thay đổi, gắn kết được văn hóa của sự thay đổi từ lãnh đạo về cải tiến kỹ thuật, quản lý, cung cấp dịch vụ, tiếp cận tổng quát về “tái thiết kế” chăm sóc y tế.

nguồn: forbesvietnam.com.vn

Các tin liên quan: